Skip to main content

Phiên chợ Đồng Văn

Phiên chợ Đồng Văn 


Chúng tôi rời Đồng Văn, Hà Giang từ sáng sớm. Vừa mới ra  khỏi thị trấn, nhìn thấy nhóm người mặc quần áo màu sắc đẹp sặc sỡ đi theo chiều ngược lại.

Càng ra xa, càng thấy dòng người nhiều thêm. Chuyện gì vậy? Cả ngày hôm qua ở đây vẫn im ắng mà. Dừng xe lại hỏi, mới biết hôm nay là ngày cuối tuần, đúng buổi chợ phiên của người dân địa phương.

Bỏ mọi dự tính, hai anh em tôi quay xe lại và đi  thẳng tới chợ. Một khung cảnh đầy màu sắc, ồn ào, nhộn nhịp làm hút hồn những du khách  đang có mặt ở đây.


“Phiên chợ vùng cao” đang diễn ra ngay trước mắt, và lần đầu tiên tôi được chiêm ngưỡng.



Phần lớn phụ nữ với khăn màu đỏ trên đầu, vai đeo gùi mây, lưng thắt yếm đang loay hoay với đống hàng hoá của mình.



Đàn ông khá đông, mặc màu đen sẫm, thong thả đi lại. Họ tập trung nhiều hơn ở khu buôn bán trâu, bò, lợn, gà. 


Tiếc là vì tầm nhìn quá thấp, nên không chụp được toàn cảnh từ trên xuống.

Nghe tiếng lợn kêu eng éc và tiếng  chân chạy  đuổi theo. Cuối cùng người đàn ông cũng tóm được con vật sổng ra. Hỏi anh mấy câu mà thấy trả lời không rõ.



Háo hức, tôi vội đứng chen vào giữa đám đông  làm một tấm ảnh kỷ niệm.


Qua khu đồ uống, nơi người dân mang các loại rượu ngô làm từ nhà.  Nhiều giọng nói ồn ào của các dân tộc khác nhau. Khách đi qua cứ việc thử một chén mà không cần phải mua. Lượng sức của mình, tôi chỉ đứng nhìn, cùng lắm cầm  chén rượu đưa lên mũi ngửi chứ không dám nhấp ngụm nào.

Ở chỗ bán rau quả. Người già, trẻ em đủ  hết và họ rất chăm chú vào công việc của mình. Dĩ nhiên rồi, thử tưởng tượng xem cả khối lượng hàng như vậy gia đình phải chuẩn bị từ đêm trước để đem ra chợ.


Hai chị em bán gạo nếp. Trên vùng cao này họ không trồng loại gạo tẻ như dưới xuôi, họ có giống nếp riêng của mình. Hạt dẻo và dài. 


Mấy người phụ nữ đùa vui trong lúc chờ khách. Nụ cười trẻ trung và tràn đầy sức sống trong những bộ quần áo sặc sỡ, sắc nét và rất đẹp. Đó chính là sự khác biệt cuốn hút các du khách thập phương. 


Tôi rất thích cảnh đứa trẻ nhỏ bám váy bà, dường như hôm nay là một trong những những buổi đầu tiên của bé ở chợ. Bà cụ cười tươi với tôi nhưng không quên chăm cháu rất kỹ. Nhìn xa xăm, chắc bà đang nhớ về những lần đầu khi mình tới chợ này của những ngày còn trẻ.
  

Hai chị em xinh xắn trông nghiêm nghị, ngượng nghịu khi thấy rất nhiều người để ý. 

Nhưng cuối cùng cũng không dấu được nụ cười trẻ trung, hồn nhiên của lứa tuổi mình. 


Nhà không ở gần chợ, làm sao mà họ có thể giữ được những bộ quần áo lộng lẫy, chỉn chu sau quãng đường dài như vậy? 

Phải tìm hiểu mới biết, để đến đây, phần lớn mọi người, kể cả trẻ con, đều phải đi bộ đường núi từ tờ mờ sáng. Gần tới nơi, họ thay những trang phục đẹp và ưng ý nhất của mình mang theo rồi mới vào chợ. Với những khuôn mặt xinh tươi, tràn đầy sức sống, cảm giác như cuộc sống sinh hoạt vất vả thường ngày trở nên nhẹ nhàng, dễ chịu hơn nhiều.

Hãy ngắm nhìn những gương mặt của người chợ phiên trong trang phục của các dân tộc vùng núi phía Bắc.













Cùng là cuộc sống mưu sinh, nhưng cách ăn  mặc và thái độ của người dân làm cho  tôi có cảm tưởng buổi họp chợ ở đây diễn ra sinh động như là ngày hội.
........
........
........
Thực ra ... đó là những bức ảnh cũ hơn 5 năm trước, vào đầu năm 2013. 

Còn bây giờ đã là tháng 10 của năm 2018. Lần này, cũng có dịp thăm Đồng Văn, nhưng vào ngày thường. 

Sáng dậy sớm, theo định vị ảnh cũ chạy ra chợ. Khu đất trống ngày xưa nay đã chia ra làm những ô nhỏ và lợp mái tôn. Chợ vắng. Cũng có thể do ngày thường. Cũng có khi còn hơi sớm.

Tha thẩn một mình trong cơn mưa nhỏ như đi tìm quá khứ. Hay đúng hơn là tìm người thân. Tìm hai chị em cô gái nhỏ ngày xưa. Giờ họ đang ở đâu? Chắc hẳn, đã đến tuổi lấy chồng, giống như những đôi trai gái thanh niên tôi gặp ở phiên chợ năm trước. Cuộc sống cơm áo gạo tiền ngày nay đã làm họ có nhiều toan tính của đời thường.  Hơn nữa, cũng đã lâu rồi, nếu có gặp cũng không còn nhớ gì tới cuộc nói chuyện lần trước.

Được nghe kể rằng, sau mỗi phiên chợ, đàn ông thường say mèm và người vợ phải dắt tay đưa tới nhà. Nếu vợ cũng say nốt, thì con trâu chưa bán được sẽ dẫn họ về. 

Vẫn nhớ sáng hôm đó. Rời chợ, ô tô đi theo đường lộ. Có người đàn ông say, nằm ở vệ đường, bên cạnh là người vợ nhẫn nại ngồi chờ. Mãi cũng không thấy con trâu nào đi trước cả, chắc họ bán được rồi. Quá chút nữa, thấy bóng dáng của ba người, đứa con nhỏ đang chầm chậm dắt tay cả mẹ và cha đã say vì uống nhiều...

Nhớ lại góc cổng chợ, nơi tôi đã gặp mấy đôi vợ chồng trẻ, tình cảm đứng cạnh nhau năm trước...





Chỗ này giờ đã là quán ăn. Thấy một cặp không còn trẻ, người phụ nữ dáng nhanh nhẹn nổ xe máy, giục người đàn ông lên để đi.



Thời gian đã trôi qua, cảnh vật cũng thay đổi. Nhưng chỉ có cảm xúc của con người là hình như vẫn còn giữ lại ít nhiều.

Không mơ mộng nữa. Hôm nay phải di chuyển cả ngày, cung đường cũng không hề dễ dàng, cần tập trung tuyệt đối bên tay lái.


TP Hồ Chí Minh. Tháng 3-2013 - tháng 10-2018.

Comments

Popular posts from this blog

Bánh chưng - bánh tét

Bánh chưng - bánh tét ngày Tết Bánh chưng - bánh tét là món ăn cổ truyền Tết Việt Nam. Thành phần bao gồm gạo nếp, đỗ xanh với nhân thịt. Miền Bắc, bánh chưng thường làm từ thịt lợn gói trong lá dong theo hình vuông. Còn trong Nam, bánh tét thì lấy thịt heo gói trong lá chuối theo hình trụ. Có gia đình tự chuẩn bị (mua gạo nếp, đỗ xanh, thịt) rồi nhờ gói và nấu. Có gia đình mua đồ về, tự gói (để thành phần theo ý  riêng) rồi nhờ nấu hộ. Có gia đình đặt luôn vài cặp từ những nơi nấu bánh. Có gia đình chờ đến tết thì đi mua về. Cuộc sống hiện đại, nhiều gia đình không còn có điều kiện gói và nấu bánh nữa. Nhu cầu ẩm thực thay đổi, nhiều người Việt ngày Tết cũng mua về chỉ trưng bày, không chắc đã ăn. Trải qua hàng ngàn năm, bánh chưng - bánh tét từ món ăn đã chuyển thành biểu tượng của hơn 100 triệu người Việt: 96 triệu người trong nước và 4 triệu người ở nước ngoài. Thật tiếc nếu thời gian trôi tiếp đi, biết đâu sau này người Việt không còn cả nhu cầu trưng bày nữa, ...

Nậm Tột (Nghệ An)

Nậm Tột - miền biên viễn         Nậm Tột - miền biên giới phía xa. Là bản thuộc xã Tri Lễ, huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An. Sát với nước Lào. Nằm trên độ cao hơn 2.000 m. Sáng sớm thì sương mù. Ban ngày trời nắng rát. Chiều thường mưa dông. Tối rét lạnh, đắp chăn vẫn rét run. Mùa mưa, đường trơn lầy lội, nơi này dường như cách ly khỏi xung quanh. Ngày thường, người xa chỉ dám đến từ 10 sáng tới 3h chiều, lỡ có gặp mưa thì không sao ra được. Bản có 45 hộ gia đình, chủ yếu là người Mông. Năm ngoái, 2019, TV Nghệ An có làm phóng sự về nơi đây. Quay cảnh những đứa trẻ  lứa mầm non học trong nhà dân.   Cuối tháng 6-2020, tới dự lễ khánh thành nhà trẻ mới. Được tận mắt chứng kiến sự thay đổi trong cuộc sống của Nậm Tột.  Hà Nội cách đây khoảng 400km, đi qua xứ Thanh - Nghệ. Địa danh lịch sử, nơi sản sinh ra biết bao nhân tài của đất Việt.       Dừng chân tại Pù Luông. Hãy thưởng ngoạn những cánh ruộng bậc t...

Lời tựa

 Tự sự Đầu năm 2013. Cơ quan cũ tái cấu trúc nhân sự. Không còn chỗ cho mình. Lúc đó đã 50 tuổi, khó mà xin đi làm được nữa. Vậy là nghỉ.  Quê ở miền trung du,  mong ước có cảm giác sau tay lái trên những cung đường ven biển hay vòng quanh núi. Một mình không dám đi.  May là tìm được một người bạn có cùng ý muốn. Hai anh em thay nhau lái xe ô tô từ Nam ra Bắc. Từ Hà nội đi tiếp Đông Bắc, rồi Tây Bắc. Quay ngược lại TP Hồ Chí Minh. Đi tới Mũi Cà Mau, ra Đảo Phú Quốc. Mất vài tháng. Không vội vàng, thích chỗ nào thì dừng lại nghỉ. Đi đâu cũng chụp ảnh và ghi chép. Sau này, vài dịp qua lại những chỗ đó. Có lần lái xe. Có lần chỉ là hành khách. Khi không ngồi trên tay lái, nhận được nhiều trải nghiệm khác nhau. Thường  thợ ảnh ít khi viết văn. Nhà văn thì lại không hay chụp hình. Giờ tổng hợp lại các bức ảnh những nơi đã qua, dùng lời văn của nhà toán học, thêm chút cảm xúc riêng tư, cộng với cái tôi vào nữa để viết loạt bài tản mạn về d...