Skip to main content

Cột cờ Lũng Cú

Cột cờ Lũng Cú 


Cột cờ quốc gia Lũng Cú nằm ở đỉnh núi, trên độ cao khoảng 1.470 m so với mực nước biển, thuộc huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang. Từ thị trấn Đồng Văn lên đến đây 26 km, đi theo đường “Cột Cờ Quốc Gia”, nhiều đèo dốc quanh co. Cột cờ cách cực Bắc Việt Nam khoảng 3,3 km theo đường chim bay, nhưng trên cung đường xe đi lên có nơi chỉ cách biên giới 50-100 m.   

Năm 2018, chúng tôi lên hôm trời sương mù, mưa rồi lại tạnh liên tục.



Nhìn thấy vườn hoa tam giác mạch ngay bên đường, không một bóng người, mặc dù bắt đầu mưa nhưng chúng tôi vẫn dừng xe.


Rất may là chỉ vài phút, trời lại nắng lên nên chụp được rất nhiều hình ưng ý.





Trời lại chuyển sang mưa, gió và lạnh. Chuẩn bị gọi nhau lên xe thì bỗng nhiên thấy 5 đứa trẻ lít nhít xuất hiện. Hoá ra, đây là vườn hoa riêng của gia đình, mấy đứa nhỏ này có nhiệm vụ trông coi và nhận tiền phí từ khách tham quan. Nhìn cảnh mấy đứa trẻ co ro vì lạnh, khách thì ầm ỹ chụp hình, thấy cũng ái ngại. Nhưng tặc lưỡi, nếu mình không chụp, hay có bớt vui vẻ đi, thì cũng không vì thế mà chúng nó no ấm lên.


Dưới chân cột cờ là bản làng của người Lô Lô, một dân tộc thiểu số, theo thống kê năm 2009 chỉ có 4.541 người sinh sống ở Việt nam.



Cả bản như công trường xây dựng, mọi người cải tạo nhà cửa chuyến sang Homestay. Thấy có người nước ngoài đi lại, chắc rất hút khách nên dân bản mạnh dạn cơi nới để đáp ứng nhu cầu tăng lên. 



Ghé qua quán cafe gần cực Bắc nhất của Việt nam. Thăm nhà dân, men theo lối đi nhỏ, nhìn thấy cột cờ từ xa xa, vào tới sân vườn thì hiện gần hơn. Hình ảnh lá cờ đã gắn liền với cuộc sống quen thuộc hàng ngày của người dân xung quanh. Nhưng với nhiều người khác, mong muốn một lần được đặt chân nơi đây cũng không phải là điều dễ làm.   



  
Từ bãi đỗ xe lên tới chân cột cờ khá xa, phải đi xem ôm. Bất ngờ mưa rất to. Sợ trơn và ướt nên phải trú lại ở nhà dân bên đường. Chờ ngớt mới đi tiếp, xe ôm lại chở 2 người, đường trơn trượt lên dốc thấy cũng không an tâm lắm. 


Rồi cũng đến nơi, leo bộ tiếp tục 839 bậc thang nữa thì tới đế tháp. 


Tháp cột cờ cao hơn 30 m, thân cột cờ có cầu thang bộ đi lên đỉnh. Trèo lên đỉnh tháp có hành lang đi vòng tròn cho phép nhìn ra tứ phía, chiêm ngưỡng vẻ đẹp trùng điệp của núi rừng. 



Hai ảnh panorama sau tôi chụp tháng 3-2013,




còn 2 cái này vào tháng 10-2018.   





Trên cùng là quốc kỳ Việt Nam có diện tích 54m2, tượng trưng cho 54 dân tộc Việt nam. Khoảng một tuần hoặc lâu nhất là 10 ngày cờ lại phải được thay mới, do sức gió trên đỉnh Lũng Cú rất mạnh. 



Năm 2013, trời lặng gió. tôi có tấm hình với lá cờ làm kỷ niệm. Còn đợt tháng 10-2018 này gió mạnh, cờ bay cao trên tầm của cánh tay, không cách nào với tới được.



Nhìn 2 tấm ảnh, ai cũng nói, từ 2013 đến nay mới có 5 năm mà trông trẻ thế. Hy vọng, sau 5 năm nữa cũng sẽ có thêm nhiều bức ảnh kỷ niệm tại đây...

Comments

Popular posts from this blog

Bánh chưng - bánh tét

Bánh chưng - bánh tét ngày Tết Bánh chưng - bánh tét là món ăn cổ truyền Tết Việt Nam. Thành phần bao gồm gạo nếp, đỗ xanh với nhân thịt. Miền Bắc, bánh chưng thường làm từ thịt lợn gói trong lá dong theo hình vuông. Còn trong Nam, bánh tét thì lấy thịt heo gói trong lá chuối theo hình trụ. Có gia đình tự chuẩn bị (mua gạo nếp, đỗ xanh, thịt) rồi nhờ gói và nấu. Có gia đình mua đồ về, tự gói (để thành phần theo ý  riêng) rồi nhờ nấu hộ. Có gia đình đặt luôn vài cặp từ những nơi nấu bánh. Có gia đình chờ đến tết thì đi mua về. Cuộc sống hiện đại, nhiều gia đình không còn có điều kiện gói và nấu bánh nữa. Nhu cầu ẩm thực thay đổi, nhiều người Việt ngày Tết cũng mua về chỉ trưng bày, không chắc đã ăn. Trải qua hàng ngàn năm, bánh chưng - bánh tét từ món ăn đã chuyển thành biểu tượng của hơn 100 triệu người Việt: 96 triệu người trong nước và 4 triệu người ở nước ngoài. Thật tiếc nếu thời gian trôi tiếp đi, biết đâu sau này người Việt không còn cả nhu cầu trưng bày nữa, ...

Nậm Tột (Nghệ An)

Nậm Tột - miền biên viễn         Nậm Tột - miền biên giới phía xa. Là bản thuộc xã Tri Lễ, huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An. Sát với nước Lào. Nằm trên độ cao hơn 2.000 m. Sáng sớm thì sương mù. Ban ngày trời nắng rát. Chiều thường mưa dông. Tối rét lạnh, đắp chăn vẫn rét run. Mùa mưa, đường trơn lầy lội, nơi này dường như cách ly khỏi xung quanh. Ngày thường, người xa chỉ dám đến từ 10 sáng tới 3h chiều, lỡ có gặp mưa thì không sao ra được. Bản có 45 hộ gia đình, chủ yếu là người Mông. Năm ngoái, 2019, TV Nghệ An có làm phóng sự về nơi đây. Quay cảnh những đứa trẻ  lứa mầm non học trong nhà dân.   Cuối tháng 6-2020, tới dự lễ khánh thành nhà trẻ mới. Được tận mắt chứng kiến sự thay đổi trong cuộc sống của Nậm Tột.  Hà Nội cách đây khoảng 400km, đi qua xứ Thanh - Nghệ. Địa danh lịch sử, nơi sản sinh ra biết bao nhân tài của đất Việt.       Dừng chân tại Pù Luông. Hãy thưởng ngoạn những cánh ruộng bậc t...

Lời tựa

 Tự sự Đầu năm 2013. Cơ quan cũ tái cấu trúc nhân sự. Không còn chỗ cho mình. Lúc đó đã 50 tuổi, khó mà xin đi làm được nữa. Vậy là nghỉ.  Quê ở miền trung du,  mong ước có cảm giác sau tay lái trên những cung đường ven biển hay vòng quanh núi. Một mình không dám đi.  May là tìm được một người bạn có cùng ý muốn. Hai anh em thay nhau lái xe ô tô từ Nam ra Bắc. Từ Hà nội đi tiếp Đông Bắc, rồi Tây Bắc. Quay ngược lại TP Hồ Chí Minh. Đi tới Mũi Cà Mau, ra Đảo Phú Quốc. Mất vài tháng. Không vội vàng, thích chỗ nào thì dừng lại nghỉ. Đi đâu cũng chụp ảnh và ghi chép. Sau này, vài dịp qua lại những chỗ đó. Có lần lái xe. Có lần chỉ là hành khách. Khi không ngồi trên tay lái, nhận được nhiều trải nghiệm khác nhau. Thường  thợ ảnh ít khi viết văn. Nhà văn thì lại không hay chụp hình. Giờ tổng hợp lại các bức ảnh những nơi đã qua, dùng lời văn của nhà toán học, thêm chút cảm xúc riêng tư, cộng với cái tôi vào nữa để viết loạt bài tản mạn về d...