Skip to main content

Hồ Ba Bể

Địa danh Hồ Ba Bể, Bắc Kạn 



Được hình thành từ cách đây hơn 200 triệu năm, là hồ nước ngọt thiên nhiên lớn nhất Việt nam. Nằm trên địa phận tỉnh Bắc Kạn, ở  giữa dãy núi với độ cao khoảng 145m so với mặt nước biển. Hồ có diện tích mặt nước hơn 650 ha, chiều dài gần 8 km, có thắt nút ở giữa. Gọi là Ba Bể vì hồ có ba nhánh thông nhau có tên Pé Lầm, Pé Lù và Pé Lèng.

Cách sân bay Nội Bài hơn 200 km về phía Bắc, đi qua các vùng đường QL3, DT258, QL279 và mất gần 5h. Đoạn cuối gần đến hồ, đường bắt đầu lên dốc, hai bên cây xanh mọc chen chúc tươi tốt. Cảm giác không còn quen thuộc như quốc lộ hay trong thành phố nữa.

Bến thuyền nằm dưới dốc hẹp, khuất sau rặng cây xanh ngắt.



Phía bên kia của bờ, xa xa có thể nhìn thấy lấm chấm dãy nhà nhỏ, nơi chúng tôi sẽ nghỉ qua đêm.  



Những dịp nước lớn,  thuyền có thể chở thẳng khách từ Hồ Ba Bể đến tận nơi, sát chân nhà sàn. Nhưng hôm nay nước cạn, chúng tôi lên thuyền với đồ nhẹ, để lại vali lớn cho chủ nhà sẽ đưa vào sau bằng  đường bộ.


Hơn 10 người lên chiếc thuyền không thể gọi là lớn. Mấy cái áo phao đã xỉn màu, buộc túm với nhau, treo toòng teng ở bên cột. Không biết bơi, nhưng tôi cũng chỉ lơ đãng nhìn theo mọi người chia nhau vài cái áo cũ mèm đó.  



Tranh thủ làm vài kiểu ảnh với mũi thuyền có hòn đảo nhỏ xíu phía trước, mờ sau là dãy núi xa xa. E rằng, khi ổn định xong, mọi người sẽ lên vị trí đó để chụp kỷ niệm. Và, với những khuôn mặt hiện hữu trên thuyền này, không dễ gì làm phong cảnh thiên nhiên đó dễ coi hơn. 

Hồ rất rộng, mặt nước lặng sóng. Sương mù phủ nhẹ, rất dịu nhưng lại làm khó khăn cho việc chụp hình. Thuyền lướt trôi trên khung cảnh cây màu xanh sát hồ, bóng cây cũng xanh trên nền nước cũng xanh.


Lên tham quan một hòn đảo nhỏ. Đi bộ lên dốc theo con đường mòn hẹp. 

Lên cao, mặt nước  hồ lấp lánh ánh bạc sau hàng cây chen san sát bên lối đi. Tha thẩn đi dạo và chụp hình. Không khí mát rượi.    



Lên đảo tiếp theo. Không thấy khách tham quan, lối đi nhỏ chen chúc những người bán hàng. 



Họ bán 5.000 VND cho trái bắp (ngô) nướng. Trả giá 20 ngàn 3 trái, bà cụ không chịu. Rồi cũng nhận ra, bà đồng ý ngay. Sợ mấy cô gái trẻ bán hàng bên cạnh hiểu nhầm rằng tôi đã lẫn, nên vội nói lớn: “Không mua nữa đâu. Tôi có tuổi nhưng cũng chưa có dở hơi nhé, vẫn còn khỏe  lắm!” 



Cuộc sống mưu sinh hiện hữu khắp mọi nơi, không phải muốn là giúp được.

Lúc rời đảo, đụng phải thuyền đi vào làm chúng tôi tròng trành. Không thấy hai anh cầm lái tỏ thái độ gì cả, có lẽ đó cũng là chuyện thường tình ở đây.

Đến bến cuối, nước cạn thuyền không đi được nữa, phải lên bờ đi tiếp về tới nhà nghỉ. Chỉ có 2 xe máy đón, nên  nhiều người phải đi bộ. Đường khá xa, ba lô lại nặng trĩu, lưng ướt đẫm mồ hôi.


Homestay chúng tôi nghỉ là một nhà sàn nhỏ trên lưng chừng dốc, bám vào vách núi. Chủ nhà giới thiệu mới sửa được hơn năm. Đây không phải là căn nhà duy nhất. Có thể nhìn thấy la liệt các biển hiệu “Homestay” ở khắp mọi nơi dọc theo con đường đất duy nhất của bản này. Bước ra ban công,  trời còn sáng, phóng cặp mắt nhìn xuống khoảng trống bao la phía dưới, cảm giác mệt nhọc sau chuyến đi dài tan biến.


Ổn định chỗ ở, mang theo máy ảnh, bước  qua con đường nhỏ, xuống theo con dốc, nơi có nhà văn hóa xã sát ngay đám ruộng. Qua cổng chào bất ngờ mở ra một khu sân chơi rộng rãi, đứng ở phía trên bị khuất nên không nhìn rõ. Có sân bóng đá cho thanh niên. Có sân bóng chuyền, nam nữ cùng chơi chung. Góc xa hơn là nơi đám trẻ con chơi kéo co và chạy nhảy. Gần đó là những ông bố, bà mẹ chăm những đứa nhỏ hơn. Gần trăm người đang vui chơi sinh hoạt trong khung cảnh thiên nhiên thanh bình, hình ảnh mà lâu lắm rồi tôi không được nhìn thấy. Cuộc sống quá yên bình, vô tư và  đầm ấm. 




Hoàng hôn xuống. Phía xa là sắc vàng của mây, sau là mấy lớp núi từ mờ mờ tới rõ dần dần. Căn nhà sàn mái đỏ bên trái áp sát cây rừng màu xanh. Ba cây nhỏ bé, lạc lõng giữa ruộng lúa còn non. Ngay trước mặt là bụi hoa nhỏ gần mấy cọc bê tông thấp. 



Đi bộ chầm chậm và ngắm nhìn. Tiếng trẻ con léo nhéo xa dần, thay vào đó là tiếng chim xào xạc tìm chỗ trú cho buổi tối. Trời tắt nắng, cố chụp thêm kiểu ảnh trước khi trời tối hẳn.



Nam mẫu là xã có khoảng 3.000 dân, thuộc  huyện Ba Bể. Cha con ông chủ nhà là người Tày tiếp đón nhiệt tình và chu đáo. Kết thúc bữa tối, tại ngay phòng ăn diễn ra buổi ca múa nhạc dân tộc. Công nghệ hiện đại cho phép vừa xem vừa livestream qua iPad cho người thân ở xa.



Cuối cùng là tiết mục nhảy sạp. Tiếng nhạc này đã quen thuộc với tôi từ nhỏ, từ 40-50 năm về trước. Thời đó, sống ở vùng trung du, tôi tham gia đội văn nghệ của trường (trong đó có cả người Tày). Âm điệu, nhịp chân vẫn trong trí nhớ, thôi thúc. Chần chừ, ngại ngần mãi. Chắc vì chút hơi men, tôi cũng mạnh dạn bước ra sàn nhảy. Nhưng có lẽ do lớn tuổi, hay lâu rồi không nhảy nên thường xuyên trật nhịp với mọi người và cũng không có được tấm hình nào ưng ý.

Ngồi nói chuyện thêm với chủ nhà. Ông vui vẻ kể rất nhiều chuyện. Ông có nói, người dưới xuôi thì đi bộ đưa thẳng chân ra phía trước (dạng đá nhẹ), còn chúng tôi người sống trên núi khi đi bộ phải nhấc chân vuông góc (giống lên cầu thang). Chia tay để lên gác trên của nhà sàn. Chợt thấy chân mình đưa cao như kiểu người Tày. Mà mới chỉ làm có vài chén...

Comments

Popular posts from this blog

Bánh chưng - bánh tét

Bánh chưng - bánh tét ngày Tết Bánh chưng - bánh tét là món ăn cổ truyền Tết Việt Nam. Thành phần bao gồm gạo nếp, đỗ xanh với nhân thịt. Miền Bắc, bánh chưng thường làm từ thịt lợn gói trong lá dong theo hình vuông. Còn trong Nam, bánh tét thì lấy thịt heo gói trong lá chuối theo hình trụ. Có gia đình tự chuẩn bị (mua gạo nếp, đỗ xanh, thịt) rồi nhờ gói và nấu. Có gia đình mua đồ về, tự gói (để thành phần theo ý  riêng) rồi nhờ nấu hộ. Có gia đình đặt luôn vài cặp từ những nơi nấu bánh. Có gia đình chờ đến tết thì đi mua về. Cuộc sống hiện đại, nhiều gia đình không còn có điều kiện gói và nấu bánh nữa. Nhu cầu ẩm thực thay đổi, nhiều người Việt ngày Tết cũng mua về chỉ trưng bày, không chắc đã ăn. Trải qua hàng ngàn năm, bánh chưng - bánh tét từ món ăn đã chuyển thành biểu tượng của hơn 100 triệu người Việt: 96 triệu người trong nước và 4 triệu người ở nước ngoài. Thật tiếc nếu thời gian trôi tiếp đi, biết đâu sau này người Việt không còn cả nhu cầu trưng bày nữa, ...

Nậm Tột (Nghệ An)

Nậm Tột - miền biên viễn         Nậm Tột - miền biên giới phía xa. Là bản thuộc xã Tri Lễ, huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An. Sát với nước Lào. Nằm trên độ cao hơn 2.000 m. Sáng sớm thì sương mù. Ban ngày trời nắng rát. Chiều thường mưa dông. Tối rét lạnh, đắp chăn vẫn rét run. Mùa mưa, đường trơn lầy lội, nơi này dường như cách ly khỏi xung quanh. Ngày thường, người xa chỉ dám đến từ 10 sáng tới 3h chiều, lỡ có gặp mưa thì không sao ra được. Bản có 45 hộ gia đình, chủ yếu là người Mông. Năm ngoái, 2019, TV Nghệ An có làm phóng sự về nơi đây. Quay cảnh những đứa trẻ  lứa mầm non học trong nhà dân.   Cuối tháng 6-2020, tới dự lễ khánh thành nhà trẻ mới. Được tận mắt chứng kiến sự thay đổi trong cuộc sống của Nậm Tột.  Hà Nội cách đây khoảng 400km, đi qua xứ Thanh - Nghệ. Địa danh lịch sử, nơi sản sinh ra biết bao nhân tài của đất Việt.       Dừng chân tại Pù Luông. Hãy thưởng ngoạn những cánh ruộng bậc t...

Lời tựa

 Tự sự Đầu năm 2013. Cơ quan cũ tái cấu trúc nhân sự. Không còn chỗ cho mình. Lúc đó đã 50 tuổi, khó mà xin đi làm được nữa. Vậy là nghỉ.  Quê ở miền trung du,  mong ước có cảm giác sau tay lái trên những cung đường ven biển hay vòng quanh núi. Một mình không dám đi.  May là tìm được một người bạn có cùng ý muốn. Hai anh em thay nhau lái xe ô tô từ Nam ra Bắc. Từ Hà nội đi tiếp Đông Bắc, rồi Tây Bắc. Quay ngược lại TP Hồ Chí Minh. Đi tới Mũi Cà Mau, ra Đảo Phú Quốc. Mất vài tháng. Không vội vàng, thích chỗ nào thì dừng lại nghỉ. Đi đâu cũng chụp ảnh và ghi chép. Sau này, vài dịp qua lại những chỗ đó. Có lần lái xe. Có lần chỉ là hành khách. Khi không ngồi trên tay lái, nhận được nhiều trải nghiệm khác nhau. Thường  thợ ảnh ít khi viết văn. Nhà văn thì lại không hay chụp hình. Giờ tổng hợp lại các bức ảnh những nơi đã qua, dùng lời văn của nhà toán học, thêm chút cảm xúc riêng tư, cộng với cái tôi vào nữa để viết loạt bài tản mạn về d...