Dinh Vua Mèo
Phần 1. Lịch sử
Người Mèo, còn có tên khác là H’Mong, Mông, có tất cả khoảng 12 triệu người sinh sống trên thế giới. Tập trung tại 3 nước: Trung Quốc gần 10 triệu, Việt Nam 1,1 triệu và Mỹ 275.000. Ở Việt Nam. Họ sống chủ yếu ở những vùng núi có độ cao trên 800 m của phía Bắc. Tại Hà Giang và Điện Biên, người Mèo chiếm khoảng 1/3 dân số toàn tỉnh, còn ở Lào Cai là 1/4.
Vua Mèo là một chức vụ thủ lĩnh tinh thần, hoặc "lãnh chúa", của cộng đồng người Mèo tại các vùng nhất định. Ngày trước, tại Việt Nam có các lãnh chúa như Vương Chính Đức ở Đồng Văn, Hà Giang, hay Hoàng A Tưởng ở Bắc Hà, Lào Cai.
Vua Mèo Vương Chính Đức, sinh năm 1865, mất năm 1947, thọ 82 tuổi. Vương triều ở Đồng Văn quản lý toàn bộ khu vực cực Bắc cũng như vùng Đông và Tây Bắc. Lúc đó có 7 vạn dân. Họ trồng cây anh túc để làm thuốc phiện, tạo nên thu nhập chính của vua Mèo. Thị trường bao gồm Pháp, Hồng Kong và Ma cao.
Vua Mèo có 3 bà vợ và 9 người con. Trong đó 3 con trai và 6 con gái. Người Mèo không nhắc nhiều đến con gái, khi sống không có phòng riêng, ở và sinh hoạt chung với người giúp việc.
Bà vợ cả lớn hơn ông 14 tuổi, sinh được 2 người con trai: Vương Chí Tinh và Vương Chí Sình. Bà mất năm 1936. Bà vợ hai chỉ sinh con gái, lại mất sớm nên ít được nhắc đến. Bà vợ ba sinh cậu út tên là Vương Chí Chư. Ông phân công bà cả giữ thuốc phiện, bà hai quản lý tài sản, bà ba phụ trách thu chi tiền bạc.
Con trai cả và con trai thứ ba đi du học ở Pháp. Hai người là dân bình thường, sống và mất tại Đồng Văn. Hậu duệ người con trai cả chủ yếu hiện sinh sống tại Hà nội, Sài gòn, Đức và Anh.
Người con trai thứ 3 sau khi du học Pháp về thì bị bệnh câm điếc. Ông này giỏi về máy móc, có xe mô tô của Pháp đầu tiên chạy ở vùng núi này. Con cháu ông ba hiện có 6 gia đình, đời thứ 4-5, đang sống ở địa phương, ngay phía ngoài dinh.
Người con trai thứ 2, Vương Chí Sình, du học Bắc Kinh, Trung Quốc. Sau này làm lớn cho nhà nước Việt nam. Sẽ được nói kỹ ở phần 3.
Phần 2. Dinh thự
Dinh Vua Mèo, tên dùng trong các văn bản là Dinh thự họ Vương, nằm tại xã Sà Phìn, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang, ngay sát biên giới với Trung Quốc, chỉ cách khoảng 3 km.
Đây là con đường dẫn đến dinh thự.
Đây là con đường dẫn đến dinh thự.
Dinh thự họ Vương ở trên nền đất 3.000 m2, được lựa chọn bởi thầy phong thủy từ Trung Quốc theo yếu tố quân sự, phòng thủ. Dinh được xây từ năm 1919 đến 1928 thì hoàn thành, tiêu tốn tất cả 15 vạn đồng bạc trắng, tương đương 150 tỷ tiền Việt Nam bây giờ. Dinh có kiến trúc kết hợp giữa Trung Quốc, Mông và Pháp.
Loạt ảnh giới thiệu tiếp theo được chọn cùng 1 góc nhìn, nhưng gồm 2 nhóm: ảnh trước chụp tháng 3-2013, ảnh sau tiếp theo chụp tháng 10-2018, lúc dinh đã được hoàn tất việc tu sửa.
Tiền dinh dành cho lính bảo vệ, có lúc lên đến 30 người. Họ sinh hoạt và ăn uống riêng tại đây. Trung dinh bao gồm bếp và chỗ ở của con cái cùng người giúp việc. Hậu dinh bên trong là chỗ ở của vua và các bà vợ.
Bên ngoài là khu vệ sinh, có 2 chuồng ngựa, 2 nhà kho và bể lớn 400m3 trữ nước. Ở đây không có nguồn nước, 100% là dùng nước mưa
Trong nhà có bể đá nhỏ được đục bằng tay. Trước kia là bể tắm cho các bà vợ, sau này dùng làm bể chứa nước mưa cho việc nấu ăn.
Có 10 cột bằng đá, dưới có đụn màu nâu trông giống như trái anh túc lớn. Để lên màu nâu đặc trưng này, mỗi cột cần dùng đến 900 đồng bạc (bằng 900 triệu VND bây giờ) để mài vào đá.
Giữa nhà có khoảng rộng, trước hay dùng làm nơi xử án. Ở đó có treo tấm Hoành Phi “Biên Chính Khả Phong” - tức “Trấn giữ biên cương” - do vua Khải Định phong năm 1923.
Nhà trước làm bằng đá, nay chỉ còn 40%. Mái ngói thì còn nguyên từ xưa. Nền cũ làm bằng gỗ, đã bị cậy phá vì nghĩ dưới đó chôn dấu tài sản, nên đã được sửa lại. Cánh cửa đã thay mới. Đồ dùng, hiện vật đã mất hết từ thời chiến tranh.
Thời chiến tranh biên giới năm 1979 nơi đây là căn cứ của quân đội. Phía bên Trung Quốc bắn rất nhiều pháo sang, nhưng sát núi nên dinh không bị ảnh hưởng: bắn thấp thì vướng núi, bắn cao thì lại vọt đi xa.
Năm 1993 dinh được công nhận là di tích quốc gia. Đến năm 2004 con cái ra hết bên ngoài sống, chuyển cho nhà nước khai thác, bảo tồn.
Năm 2012, tỉnh Hà Giang cấp giấy chứng nhận sổ đỏ khu di tích cho Phòng VHTT huyện Đồng Văn. Ngày 23-08-2018, tỉnh đã thu hồi giấy chứng nhận này. Việc cấp sổ mới cho đại diện gia đình họ Vương chưa được tiến hành (tháng 11-2018).
Cô HDV là hậu duệ vua Mèo. Có giọng nói rất dễ nghe, giúp dễ dàng chuyển tải thông tin về câu chuyện lịch sử này.
Phần 3. Vương Chí Sình (con trai)
Ông là con trai thứ 2 của vua Mèo, sinh năm 1886, mất năm 1962. Sinh thời, ông được bố rất quý mến, sống chung trong hậu dinh. Ông đi Bắc Kinh (Trung Quốc) du học năm 1919.
Ông là con trai thứ 2 của vua Mèo, sinh năm 1886, mất năm 1962. Sinh thời, ông được bố rất quý mến, sống chung trong hậu dinh. Ông đi Bắc Kinh (Trung Quốc) du học năm 1919.
Năm 1945, nước Việt nam mới được thành lập đã mời vua Mèo về Hà nội. Lúc đó đã 80 tuổi, vua tiến cử con trai Vương Chí Sình đi thay.
Ông Sình cùng bà vợ ba đi từ Đồng Văn sang Hà Giang bằng ngựa mất 3 ngày (hiện nay quãng đường này dài 150km, đi ô tô khoảng 5 tiếng). Tại Hà Giang đã có ô tô chờ sẵn đón về Hà nội.
Ở Hà nội ông đổi tên sang Vương Chí Thành và trúng Đại Biểu Quốc Hội nước Việt Nam khoá 1 vào năm 1946.
Lúc này, tình hình khó khăn, ông Sình cùng với cha quyết định đóng góp cho nhà nước 22 ngàn đồng bạc trắng (22 tỷ VND thời nay). Ngoài ra còn có thêm 9 kg vàng cùng lượng lớn vũ khí, do gia đình trực tiếp vận chuyển xuống Hà nội và trao tặng trong năm 1946.
Năm sau, 1947, vua Mèo mất. Ông Sình được cử lên làm chủ tịch huyện Đồng Văn và giữ chức này liên tục 9 năm.
Ông Sình có 5 bà vợ. Hai bà đầu là người Mông, bà ba là người Trung Quốc, bà 4 và bà 5 là người Hà nội.
Bà ba tên là Trương Mỹ Thuận, có bố là người Quảng Đông (Trung Quốc), mẹ là người Hà Đông (Việt nam). Bố bà là phiên dịch tiếng Pháp cho ông Tôn Dật Tiên, còn mẹ giúp việc cho gia đình họ Tôn này.
Bà giỏi tiếng Pháp, biết thêm tiếng Nhật, tiếng Hoa và tiếng Việt. Sinh thời, bà làm thư ký riêng cho chồng. Bà sinh năm 1904, mất năm 1985 tại Hà nội.
Thời làm chủ tịch huyện Đồng Văn, ông Sình đã xây dinh thự lớn khác tại Phó Bảng, cách dinh cũ 12 km. Nhưng tiếc rằng dinh thự này đã phá hủy hoàn toàn bởi chiến tranh biên giới 1979.
Năm 1956, đã 70 tuổi, ông xin thôi chức vụ chủ tịch huyện Đồng Văn để về nhà nghỉ. Sau 3 năm, tức 1959, ông được mời về Hà nội làm cho Uỷ ban dân tộc miền núi của Quốc hội và từ đó không quay lại Đồng Văn nữa. Ông mất năm 1962 tại Hà nội, thọ 76 tuổi.
Con cháu ông sống ở Hà nội, đến năm 1989 thì sang định cư tại Canada và Mỹ.
PS. Nội dung được tham khảo từ:
- cuộc giới thiệu kéo dài 20 phút của HDV là con cháu vua Mèo tại Dinh
- nguồn mở https://vi.m.wikipedia.org/
Comments
Post a Comment