Skip to main content

Cung đường Đông Bắc

Cung đường Đông Bắc 

Đông Bắc là vùng lãnh thổ phía đông bắc Việt Nam, bao gồm 9 tỉnh. Trong đó Bắc Giang, Lạng Sơn, Quảng Ninh là tương đối phát triển.

Đầu năm 2013, hai anh em chúng tôi lái xe vòng quanh 6 tỉnh miền núi còn lại: Phú Thọ, Tuyên Quang, Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn và Thái Nguyên.
Tháng 10-2018, tôi có dịp quay lại đúng cung đường này, nhưng theo chiều ngược lại: Hồ Ba Bể - Thác Bản Giốc - Đồng Văn - Hà Giang - Tuyên Quang. Từ Hà Nội đi theo hướng Tuyên Quang - Hà Giang - Đồng Văn - Thác Bản Giốc - Hồ Ba Bể. Với tổng chiều dài 1.300 km và đi hết hơn 1 tuần.

Một vài cảnh vật cũ, nay đã mới. Nhiều địa điểm ngày xưa, giờ vẫn y nguyên. Nhưng được nhìn bằng con mắt khác, có phần ngược chiều lại từ tương lai. Quá khứ và hiện tại lẫn lộn. Cảm giác phải ghi lại. Ít nhất là cho mình.

Phú Thọ, Tuyên Quang là 2 tỉnh trung du, tiếp giáp giữa đồng bằng và vùng núi. Rừng cọ, đồi chè, dòng nước sông Lô lững lờ chảy trôi theo con đường. Càng đi, sông dần hẹp lại, đồi cao lên, dường như báo trước cho chúng tôi sắp tới núi còn cao nữa và sông dần biến thành suối. 


Gặp đám rước dâu người Pà Thẻn tại xã Tân Quang, huyện Bắc Quang, tỉnh Tuyên Quang.  Cô dâu xinh đẹp trong trang phục dân tộc của mình. Khuôn mặt người mẹ chồng rạng rỡ, hạnh phúc. Chiếc mũ bảo hiểm và 2 đôi dép tổ ong đã gắn họ với thực tại.



Lần thứ 2 tôi ăn ở “Nhà Hàng Cơm Dân Tộc” tại trung tâm Hà Giang. Vẫn còn nhớ như in cảm giác bối rối của 5 năm trước, khi chủ quán và khách ăn đều khuyên 2 anh em không nên tự lái, mà phải thuê người địa phương. Cung đường từ đây tới Đồng Văn khoảng 130 km và rất nguy hiểm cho tài xế lạ. Háo hức nên bỏ ngoài tai.

Cột mốc số 0 Hà Giang cách Hà nội 320 km, có 4 mặt được  viết bằng 4 thứ tiếng: Việt, Anh, Pháp, Trung. Là điểm dừng chân check-in của các du khách khi bắt đầu đi tới những địa danh khác. Buổi sáng, đám thanh niên phượt thủ cười đùa ầm ỹ, chờ mãi mới đến lượt mình làm tấm ảnh kỷ niệm.

Cổng trời Quản Bạ. Địa điểm có nhiều cảm xúc với người dưới xuôi. Điểm dừng chân ngày trước giờ vẫn nguyên ở đó, nhưng đã ít khách.  Chỗ mới cách xa 3km, có lối đi lên dễ dàng hơn, tầm nhìn thoáng và rộng hơn.



Tháng 3-2013, chúng tôi dừng nghỉ tại cây gạo giữa khoảng đất trống tại xã Cán Tỷ, huyện Quản Bạ. Lần này, tháng 10-2018, tôi có ý dành ít phút để chụp lại kỷ niệm lần nữa. Ngồi trên xe, vừa nhìn kỹ 2 bên đường, vừa dò theo bản đồ, và thấy cảnh vật đã thay đổi nhiều. Mùa mưa nên cây cối xung quanh xanh ngắt, nhà cửa đã xây sát đường hơn. Cây gạo đỏ ngày xưa đã chuyển màu xanh, lẫn vào những cây khác, làm không nhận ra nó nữa, có lẽ đi qua mà không biết. Dừng xe, đi bộ ngược vài trăm mét mà vẫn không thấy  dấu tích cây gạo ngày nào. Quay lại con suối nhỏ bên cầu chụp hình. Hai bức ảnh cách nhau 5 năm, khung cảnh vẫn như vậy, chỉ khác màu sắc. Một bên mùa khô, bên kia mùa mưa.   




Nhớ cảnh bà cụ có nụ cười lạc quan vẫy xe chúng tôi lại. Một lúc mới hiểu bà xin kẹo. Không chuẩn bị, chỉ đưa mấy cái bánh gai mua tại Phú Thọ trong túi ni lông màu xanh.




Dừng chân tại dốc Bắc Sum, xã Minh Tân, huyện  Vị Xuyên. Trên đỉnh là bãi đất trống, nhìn xuống dưới mênh mông. Ngoài chúng tôi, có thêm cô gái  trẻ với đứa con nhỏ đang ăn kem. Thấy 2 anh em đeo kính cận, dáng dấp hiền lành, tin là không thể bắt nạt được mình, cô bắt chuyện với chúng tôi. Mặt rạng rỡ, cô kể đã đi xe máy hơn 90 km  từ Yên Minh sang đây chơi. Vô tình gặp anh người yêu cũ từ hồi còn đi học. Tôi có lưu một bức ảnh của họ rất đẹp và lãng mạn. Không nên đưa ra đây. Kỳ lạ phụ nữ, có nỗi vô tình kéo dài đến 90 km. 


Sang đến Đồng Văn đường khó đi hơn hẳn: hẹp, một bên vách, bên kia vực với nhiều khúc cua của  gấp. Nghe tiếng lao xao phía trước, vượt qua thì thấy chiếc xe 7 chỗ lật ngược, may  mà đâm vào vách núi. Trẻ con, người lớn xúm quanh. Anh lái xe lớn tiếng giải thích không rõ nghĩa lắm. Tôi thấy đường chỗ này không quá hẹp, lại vắng, làm sao lật xe được? 








Có thể do mất tập trung sau khi qua cung đường hiểm trở, hay do ngoặt quá nhanh lúc vướng hòn đá. Hoặc lái xe chưa kinh nghiệm vì xe mới mua. Đường vách đá cheo leo như vậy, kéo về sửa chắc vất và lắm.  

Chiều biên giới tới sớm. Chúng tôi đến Đồng Văn thì tối hẳn. May mà kiếm được phòng tại khách sạn Cao Nguyên Đá. Sau hồi chờ và năn nỉ, cô tiếp tân tên Vy sắp xếp được 1 chỗ khách đã đặt nhưng giờ chưa thấy đến. Trao đổi số điện thoại và hẹn gặp ở Sài gòn. 




Tháng 10-2018 tôi quay lại Đồng Văn và thấy thay đổi khá nhiều. Khách sạn mọc lên sản sát. Buổi tối ồn ào, náo nhiệt.

Trên cung đường Đông Bắc chúng tôi đã tới nhiều địa danh nổi tiếng, và mỗi nơi để lại những cảm xúc riêng. 

Chợ Đồng Văn - Hà Giang 





Chợ Đồng Văn nằm ngay giữa trung tâm thị trấn. Vào ngày chợ phiên, du khách có thể ngắm đủ sắc màu sặc sỡ trong trang phục của các dân tộc miền núi phía Bắc.  

Cột cờ Lũng Cú - Đồng Văn, Hà Giang 

Từ Đồng Văn tới đỉnh Lũng Cú 26 km. Tháp cột cờ này cách điểm cực Bắc của Việt Nam 3.3 km theo đường chim bay. Trèo lên đỉnh tháp có hành lang đi vòng tròn cho phép nhìn ra tứ phía, chiêm ngưỡng vẻ đẹp trùng điệp của núi rừng.  




Dinh Vua Mèo - Đồng Văn, Hà Giang 


Con đường giữa Lũng Cú và dinh Vua Mèo khá hiểm trở, dài 45 km, mất 2 tiếng lái xe. Nằm sát chân núi, phía bên kia chỉ cách vài trăm mét là biên giới. Nhà họ Vương người Mèo này đã trấn giữ vùng biên cương từ nhiều đời. Hiện giờ nơi đây là khu di tích cho du khách tham quan.




Đèo Mã Pì Lèng - Đồng Văn, Hà Giang

Ra khỏi thị trấn vài km là gặp Mã Pì Lèng, một trong “tứ đại đỉnh đèo” Tây Bắc Việt nam. So với Pha đin (Điện Biên), Ô Quy Hồ (Lào Cai), Khau Phạ (Yên Bái) - nơi tôi đã đi qua -  thì Mã Pì Lèng hùng vỹ, hiểm trở nhất. Ngoặt dốc lên xuống liên tục, mưa hoặc sương mù thì rất khó cho lái xe. Ngay trên đỉnh đèo là trạm gác của CSGT, có xe ô tô, đầu kéo và vài chiến sỹ túc trực (tháng 3-2013 tôi đi qua chưa thấy).  





Thác Bản Giốc - Cao Bằng

Từ Đồng Văn sang thác Bản Giốc gần 300 km, coi như mất một ngày đi đường. Địa danh tạo nên nhiều cảm xúc. Năm 2013 tôi chỉ ghé qua vài tiếng. Năm 2018 này tôi nghỉ qua đêm tại khách sạn cách thác chỉ 500 m. Dòng sông Quế sơn chia ranh giới 2 nước. Lên bè, đi ra giữa sông, sát tới thác. Nghe tiếng nước chảy ầm ầm, chụp ảnh, hướng nhìn về bờ. Từ đây đến nhà mình 2.065 km...







Hồ Ba Bể - Bắc Kạn

Từ thác Bản Giốc về đến Hà nội cũng mất 8 tiếng lái xe. Du khách thường dừng chân giữa đường ở Hồ Ba Bể và nghỉ qua đêm. Tham quan hồ nước ngọt lớn nhất Việt Nam. Ngủ nhà sàn của người Tày trong bản. Tối xem múa xoè, nhảy sạp và uống rượu địa phương.





Biệt phủ Thành Chương - Sóc Sơn, Hà nội

Nằm ngay sát sân bay Nội Bài, chủ nhân là nghệ sỹ Thành Chương đã kỳ công thiết kế và xây dựng chỗ này thành bảo tàng, giống như bức tranh thu nhỏ của lịch sử làng quê, xã  hội Bắc Bộ Việt Nam. 






Kết thúc một vòng Đông Bắc

Comments

Popular posts from this blog

Bánh chưng - bánh tét

Bánh chưng - bánh tét ngày Tết Bánh chưng - bánh tét là món ăn cổ truyền Tết Việt Nam. Thành phần bao gồm gạo nếp, đỗ xanh với nhân thịt. Miền Bắc, bánh chưng thường làm từ thịt lợn gói trong lá dong theo hình vuông. Còn trong Nam, bánh tét thì lấy thịt heo gói trong lá chuối theo hình trụ. Có gia đình tự chuẩn bị (mua gạo nếp, đỗ xanh, thịt) rồi nhờ gói và nấu. Có gia đình mua đồ về, tự gói (để thành phần theo ý  riêng) rồi nhờ nấu hộ. Có gia đình đặt luôn vài cặp từ những nơi nấu bánh. Có gia đình chờ đến tết thì đi mua về. Cuộc sống hiện đại, nhiều gia đình không còn có điều kiện gói và nấu bánh nữa. Nhu cầu ẩm thực thay đổi, nhiều người Việt ngày Tết cũng mua về chỉ trưng bày, không chắc đã ăn. Trải qua hàng ngàn năm, bánh chưng - bánh tét từ món ăn đã chuyển thành biểu tượng của hơn 100 triệu người Việt: 96 triệu người trong nước và 4 triệu người ở nước ngoài. Thật tiếc nếu thời gian trôi tiếp đi, biết đâu sau này người Việt không còn cả nhu cầu trưng bày nữa, ...

Nậm Tột (Nghệ An)

Nậm Tột - miền biên viễn         Nậm Tột - miền biên giới phía xa. Là bản thuộc xã Tri Lễ, huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An. Sát với nước Lào. Nằm trên độ cao hơn 2.000 m. Sáng sớm thì sương mù. Ban ngày trời nắng rát. Chiều thường mưa dông. Tối rét lạnh, đắp chăn vẫn rét run. Mùa mưa, đường trơn lầy lội, nơi này dường như cách ly khỏi xung quanh. Ngày thường, người xa chỉ dám đến từ 10 sáng tới 3h chiều, lỡ có gặp mưa thì không sao ra được. Bản có 45 hộ gia đình, chủ yếu là người Mông. Năm ngoái, 2019, TV Nghệ An có làm phóng sự về nơi đây. Quay cảnh những đứa trẻ  lứa mầm non học trong nhà dân.   Cuối tháng 6-2020, tới dự lễ khánh thành nhà trẻ mới. Được tận mắt chứng kiến sự thay đổi trong cuộc sống của Nậm Tột.  Hà Nội cách đây khoảng 400km, đi qua xứ Thanh - Nghệ. Địa danh lịch sử, nơi sản sinh ra biết bao nhân tài của đất Việt.       Dừng chân tại Pù Luông. Hãy thưởng ngoạn những cánh ruộng bậc t...

Lời tựa

 Tự sự Đầu năm 2013. Cơ quan cũ tái cấu trúc nhân sự. Không còn chỗ cho mình. Lúc đó đã 50 tuổi, khó mà xin đi làm được nữa. Vậy là nghỉ.  Quê ở miền trung du,  mong ước có cảm giác sau tay lái trên những cung đường ven biển hay vòng quanh núi. Một mình không dám đi.  May là tìm được một người bạn có cùng ý muốn. Hai anh em thay nhau lái xe ô tô từ Nam ra Bắc. Từ Hà nội đi tiếp Đông Bắc, rồi Tây Bắc. Quay ngược lại TP Hồ Chí Minh. Đi tới Mũi Cà Mau, ra Đảo Phú Quốc. Mất vài tháng. Không vội vàng, thích chỗ nào thì dừng lại nghỉ. Đi đâu cũng chụp ảnh và ghi chép. Sau này, vài dịp qua lại những chỗ đó. Có lần lái xe. Có lần chỉ là hành khách. Khi không ngồi trên tay lái, nhận được nhiều trải nghiệm khác nhau. Thường  thợ ảnh ít khi viết văn. Nhà văn thì lại không hay chụp hình. Giờ tổng hợp lại các bức ảnh những nơi đã qua, dùng lời văn của nhà toán học, thêm chút cảm xúc riêng tư, cộng với cái tôi vào nữa để viết loạt bài tản mạn về d...