Tản mạn Hoàng Su Phì, Hà Giang
Là 1 trong 10 huyện của tỉnh miền núi Hà Giang, Hoàng su phì có dân số hơn 60.000 người, chủ yếu là các dân tộc Nùng, Dao và Mông.
Từ cột mốc số 0 của Hà Giang đi xuôi theo QL2 khoảng 1 tiếng là tới Bưu điện Tân Quang, rẽ phải vào đường DT177.
Nhận ra ngay con đường nhỏ hẳn lại và xóc. Hầu như không thấy xe khách, thỉnh thoảng có vài xe tải chạy ngược chiều. Uốn lượn quanh co và lên dốc. Một bên là sườn núi, bên kia là vực.
Đặc biệt, bên bờ vực thấy trống hoác, không có cột mốc hay bờ bao như đường đèo nhiều nơi khác. Đi vòng quanh núi để lên, nên vực đang bên phải, bất ngờ lại đổi sang bên trái.
Có cảm giác ngại ngần, hy vọng đi thêm một chút đường sẽ rộng ra. Tuy nhiên, thực tế cả quãng đường dài đều giống như vậy, có chỗ rộng hơn, có chỗ thấy cọc mốc bên vực, nhưng cũng không làm cho an tâm thêm nhiều.
Con đường khúc khuỷu vòng quanh ngọn núi này, leo dần lên đến ngọn núi tiếp theo. Phía trước luôn thấy núi cao, chỗ thì nhìn rõ đỉnh, nơi thì bị mây mờ che mất. Dưới chút nữa, những hàng ruộng bậc thang nhấp nhô, đan xen trong đó là vài mái nhà tranh trông nhỏ bé, cô đơn giữa màu xanh ngắt của cây rừng.
Tiếp theo là con đường mòn như con rắn trườn ôm quanh quả núi, dẫn tới bản làng bên trên. Thấp hơn là dòng suối chảy quanh uốn lượn song hành theo đường mòn. Từ trên xuống nhìn rõ: trắng của mây, vàng ươm của lúa, nâu nhạt là đường mòn, màu xám của suối.
Tất cả các sắc màu đó quyện với màu xanh ngắt của rừng tạo nên bức tranh làm cho người xem không muốn chớp mắt.
Liên tục vòng quanh như vậy. Đẹp quá, cứ mải mê nhìn theo, vẹo hết cả người mà không biết. Con đường 60 km vừa đi vừa dừng lại chụp hình mất hơn 3h.
Gần 12h mới tới thị trấn Vinh Quang, thủ phủ của huyện Hoàng su phì. Dáng dấp trông như một thị trấn nhỏ của miền Bắc, có chăng sự khác biệt: xen lẫn giữa người Kinh là những người mặc quần áo và nói giọng của các dân tộc khác nhau.
Ăn trưa ở quán cơm bình dân Quang Phượng. Bàn bên cạnh, mấy người nói tiếng hoàn toàn lạ, thỉnh thoảng chen vào mấy từ quen thuộc: “nhà nước”, “pháp luật”, “thi hành án”, “xã hội chủ nghĩa”... Chắc là, những khái niệm mới, hiện đại, tiếng dân tộc không có, họ dùng ngay tiếng Việt.
Ăn trưa ở quán cơm bình dân Quang Phượng. Bàn bên cạnh, mấy người nói tiếng hoàn toàn lạ, thỉnh thoảng chen vào mấy từ quen thuộc: “nhà nước”, “pháp luật”, “thi hành án”, “xã hội chủ nghĩa”... Chắc là, những khái niệm mới, hiện đại, tiếng dân tộc không có, họ dùng ngay tiếng Việt.
Bản Phùng
Ăn xong, không kịp nghỉ ngơi, xe đưa đoàn đi bản Phùng. Tới cầu sắt nhỏ bắc qua sông Chảy, vì thấy có vẻ ọp ẹp, chúng tôi xuống xe và đi bộ qua cầu.
Lúc này mới biết là anh lái xe chưa tới đây bao giờ. Qua cầu dừng lại, chờ một lúc để hỏi thăm. Mấy người dân tộc nói: “Đi được, tao vẫn đi đây mà” - vừa nói vừa chỉ vào xe máy của mình. Ngơ ngác, mình đi ô tô 29 chỗ, họ thì trả lời xe máy qua tốt nghĩa là sao?
Anh trưởng đoàn lúc này cũng thú nhận chưa đến đây bao giờ, nhưng nghe nói là rất đẹp và lúa còn chưa chín. Qua người quen, cũng tìm được số điện thoại người bản Phùng và biết được xe như mình đi tốt. Còn ruộng lúa thì 90%, nhưng nghe không rõ là % đã gặt hay là chưa gặt?
Đi. Một lúc thì nhìn thấy biển báo Bản Phùng 12km. Đường bê tông mới làm, rất hẹp, hầu như chỉ vừa đủ cho một làn xe, ngoài nữa là mép cỏ dẫn xuống vực.
Quanh co, âm u, tĩnh mịch. Không bóng người, không nhìn thấy xe.
Liếc bên đường có biển báo số km tới bản Phùng, nhưng chữ số bị che mờ đi bằng xi măng, 2-3 lần lặp lại như vậy, nên hình như có ai đã cố ý đùa ở đây để cho cảm giác thêm mạo hiểm.
Tất cả mọi người đều im lặng. Có lẽ đang ngắm cảnh đẹp. Cũng có thể đang sợ. Tôi tranh thủ chụp vội qua cửa kính chiếc xe đang di chuyển giật cục, phải tập trung, nên nỗi lo lắng đã chuyền sang các bức ảnh ít nhiều.
Xe khó nhọc lách qua lối đi có hòn đá lớn (cao cỡ 2m) dựa sát vách như vừa mới lăn từ núi ra và bị đẩy sát lại. Chỗ khác lại gặp hòn đá nhỏ hơn nằm sát vệ đường, chưa kịp rơi xuống vực.
Thỉnh thoảng gặp những dòng nước chảy từ vách núi và tràn thẳng qua mặt đường. Có chỗ nước lại đổ xuống đúng ngay chỗ góc lượn cua gấp và dốc nữa. Cũng may, nếu mà trời đổ mưa, thì sẽ trở nên trơn khủng khiếp. Còn nhớ cả khúc bên vực bị sạt, cảm giác như bánh xe đã sát sát...
Cứ vòng quanh, im ắng giống như cảnh thầy trò Đường Tăng đi lấy kinh. Một lúc, gặp mấy xe máy đi ngược chiều. Nhẹ người. Nhìn ngang sang vách núi bên kia thấy chiếc xe tải nhỏ đang lầm lũi, cô đơn theo sau. Chỉ kịp mừng một lúc rồi chuyển sang lo lắng: lỡ có chiếc ô tô đi ngược chiều từ bản ra thì biết làm sao? Không lẽ phải lùi xe theo đường quanh co như vậy hàng vài km?
Quãng đường 12 km đi qua các địa danh: xã Tụ nhân, xã Chiến phố (huyện Hoàng su phì), xã Bản díu, xã Nàn xỉn (huyện Xín mần) rồi cuối cùng cũng tới bản Phùng.
Xuống đi bộ ngắm cảnh. Chỉ vừa leo qua dốc, qua khúc ngoặt bất ngờ mở ra một thung lũng. Cánh đồng lúa đã gặt một phần, màu vàng chen màu xanh non. Các ruộng bậc thang uốn lượn theo đủ các kiểu khác nhau. Xen giữa là nhà dân. Lấm chấm những ngọn đồi nhỏ. Ngừng giây lát rồi chụp lia lịa. Chụp hoài nhưng không hài lòng vì ảnh không chuyển tải hết khung cảnh thực tế. Cũng có thể do kỹ thuật kém, chưa biết cách làm sao chụp.
Đi bộ một đoạn sang góc khác của thung lũng. Phóng tầm mắt sang bên kia sườn núi, nhà và ruộng xen lẫn với đồi, cứ thế nối tiếp nhau. Góc tiếp nữa có những ruộng lúa đã gặt, chỉ còn trơ gốc rạ. Giờ mới hiểu, làm sao có thể trả lời tỉ lệ đã gặt bao nhiêu được? Cả vùng rộng như vậy từng chỗ sẽ khác nhau.
Đang ngắm nhìn một cách tần ngần, bỗng anh đi xe máy tới gần và hỏi có muốn dẫn đến coi cổng trời hay không. Dĩ nhiên là đi. Lên đỉnh núi, chỗ của nhà sàn, vị trí cao nhất, thấy thực sự giống như cổng trời nhìn xuống ruộng bậc thang. Thấy được vẻ đẹp với góc độ khác hẳn khi so sánh với lúc đang ở phía dưới.
Tham quan căn nhà sàn. Đi dọc theo ban công nhỏ cho phép phóng tầm nhìn ra khung cảnh tuyệt tác trước mặt. Góp ý với chủ nhà cần sửa chữa bổ sung những gì để nơi đây sẽ là chỗ Homestay lý tưởng và hẹn gặp lại vào mùa gặt năm sau.
Cảm giác no nê cảnh đẹp và chụp hình, quay về nơi đỗ xe là trường học. Thăm trường. Xem học sinh kéo co. Vào lớp học, chơi với trẻ con.
- Ông ơi, bạn kia bị câm đấy!
Tiến gần ôm bé vào lòng, chụp hình cùng. Nụ cười rạng rỡ trên các khuôn mặt đã làm cho tất cả gần nhau hơn.
Cô giáo hiệu trưởng tên Hà cho biết đường bê tông ở đây mới xây, chứ ngày trước mưa sạt thì có khi xe ô tô phải chờ hàng tuần trong bản. Nhìn cô trẻ vậy mà đã có cháu ngoại, cô cười nói: “ Nó (ý con gái) muốn như vậy chứ em đâu muốn!”
Nhìn thấy đoàn người còng lưng gùi gạo từ chân núi lên đi theo con đường đã được bê tông san đều bớt độ dốc, thấy có một cảm giác là lạ. Biết đâu, cứ để dốc cao khúc khuỷu, có mô tự nhiên như cũ có khi dễ dàng hơn hay không?! - “Người bản Phùng còn khổ lắm, thêm tiền cho bà con đi...” Tiếng người đàn ông dân tộc vọng lại từ phía sau, giọng nói dường bị đè nặng bởi bao lúa trên lưng.
Đã 4h chiều. Cả đoàn hối nhau ra sớm kẻo mưa. Vừa đến đầu đường, cảnh mái nhà sàn nằm ở lưng chừng núi, bên cạnh, người dân đang đạp lúa, chạy quanh là đám trẻ con cùng với mấy con chó, 2 con trâu và đàn gà. Vui mắt quá, mọi người ào xuống giao lưu, nói chuyện vui vẻ và tranh nhau chụp hình kỷ niệm.
Tranh thủ lúc anh tài xế đang phải thay lốp xe sau bị thủng, còn chút thời gian nên xách máy ảnh đi lòng vòng. Bất ngờ gặp ngay người vừa chở mình lên cổng trời. Hoá ra anh là thợ cắt tóc. Đề nghị anh cười để chụp một kiểu ảnh kỷ niệm. Mọi người vội vã giục nhau lên xe. May mà thay được lốp xe ở đây, chứ bị giữa đường thì chắc vất vả lắm.
Con đường đi ra cảm thấy gần và nhanh. Trời khô ráo. Phía trước có chiếc xe 4 chỗ biển số Hà nội chạy chầm chậm. Đi theo con đường độc đạo không lối rẽ, mà liên tục xi nhan trái - phải theo từng khúc ngoặt. Chắc hẳn, sau tay lái là một bác tài xế nghiêm túc. Chúng tôi nhìn theo, cười nói râm ran, chả mấy chốc đã ra tới đường lớn.
Bản Luốc
Từ chỗ tập kết, mang theo đồ đạc gọn nhẹ, chúng tôi chờ xe đến đón. Từ đây đến bản Luốc phải đi xe máy gần 5km nữa. Chỉ một đoạn ngắn đã tráng xi măng, phần còn lại vẫn là đường đất, nhiều dốc lên xuống liên tục, khá nguy hiểm. Thấy đoạn đất bằng, lên xe thử tay lái làm cảnh. Thấy rõ khung cảnh sau người lái là suối, ruộng bậc thang, núi, và mây với ánh sắc vàng của mặt trời sắp lặn.
Cảnh đẹp quá! Ngồi sau lưng anh xe ôm, tôi thốt lên. - “Bác ngồi cẩn thận nhé, xe cháu mà mất thắng (phanh) là chết đấy!” . Đường cứ lên dốc, xuống dốc quanh co liên tục. Chưa kịp thở phào nhẹ nhõm khi rời bản Phùng, giờ đây thì tâm trạng bất an quay lại. Ngay sau lùm cây, đang đoạn xuống dốc, bất ngờ bờ vực xuất hiện. Gió thổi ào vào mặt trên chiếc xe máy không còn mới. Cũng không dám nghĩ xem bộ phanh của nó an toàn đến đâu. Chưa hết, cậu thanh niên vọt ga lên rồi nói tiếp: “Trung thu vừa rồi chỗ này có cô giáo bị lao xuống vực đó”. Lên tới đỉnh dốc, tôi nói cho dừng lại ngắm cảnh, chụp hình và xuýt xoa: “Ôi sao đẹp vậy!”
Chàng thanh niên lại tiếp:
- Có gì đâu mà đẹp. Ngày nào cháu cũng thấy như vậy. Hà nội mới đẹp, nhiều nhà xây cao.
- Năm nay cháu bao nhiêu tuổi?
- Cháu 24
- Làm sao đi tới Hà nội được?
- Cháu đi công nhân mấy năm, có tiền bạn bè rủ nhau đi chơi.
- Vậy hơn bác rồi. Bác 54 tuổi mới từ Hà nội đến được bản Luốc. Cháu 24 tuổi mà đã từ bản Luốc đi được Hà nội.
Cậu thanh niên cười vui vẻ, anh biết tôi chỉ nói đùa cho vui. Ngửi thấy hơi men từ lúc lên xe, tranh thủ lúc này tôi hỏi luôn:
- Cháu uống bia hay rượu vậy?
- Cháu uống từ trưa, vừa mới ngủ dậy đi đón khách. Hôm nay thứ 5 trong tuần là ngày của phiên chợ Luốc, không mấy khi được gặp bạn mà bác.
- Bác hỏi thật nhé, ở bản cháu có ma tuý hay cờ bạc không?
- Không. Ma tuý thì bản cháu không có đâu. Cờ bạc thì chỉ trước kia thôi. Bây giờ thì hết rồi.
- Thế lấy vợ, lấy chồng có được tự do không, hay do gia đình sắp đặt hết?
- Bây giờ thanh niên cũng đi công nhân nhiều rồi mà, quen nhau là lấy thôi. Chỉ nếu ai ở sâu trong bản mới vậy.
Nhìn phía bên kia quả đồi, thấy ngôi nhà màu trắng, chỉ tay tôi hỏi: “Tối nay bác ở nhà kia à?” Thằng bé nói: “Không phải, đó là nhà Uỷ ban, đêm nay đoàn bác nghỉ ở nhà Nam’s Homestay”.
Vòng theo quả núi, qua Uỷ ban. Đến chân dốc tiếp theo, chiếc xe về số và rú ga phụt khói xanh lét mà vẫn không lên nổi, liếc thấy vòm mái nhà sàn phía trước, tôi quyết định xuống đi bộ từ từ lên. Thằng bé nói vọng theo: “Bác cẩn thận đi sáp mép đường nhé, xe máy khác mà lên họ phải chạy lấy đà nhanh lắm nên có khi không kịp tránh bác đâu!” Chưa kịp hết câu thì đã thấy một xe khác chạy ào từ trên xuống (thiếu xe, phải quay lại đón thêm người của đoàn). Thấy cũng nguy hiểm không kém, mà nó chưa kịp dặn.
Lúc này mặt trời sắp lặn, lại không biết từ chân dốc đến nhà bao xa tôi tranh thủ kịp chụp vài kiểu cảnh chiều tắt nắng. Cảm thấy ưng ý nhất góc chụp này và mê mẩn với nó.
Ảnh bên trên nhìn thấy rõ lối đi, hàng rào, mấy cái cây che trước căn nhà mờ mờ, kế bên là ruộng bậc thang, lại đường mòn dẫn tới nếp nhà phía xa hơn ở dưới làn khói bếp nhẹ. Sau đó là núi và mây.
Cũng góc đó, vào buổi sáng hôm sau. Lúc này thay vì khói bếp, sương mù dày đặc hơn đã che khuất gần hết nhà và núi của buổi chiều qua.
Bản Luốc có thêm 1 nhà Cảnh’s Homestay nữa. Hình như ông chủ là phó chủ tịch xã, làm kinh doanh chè (trà) có xe ô tô, nhà đang xây bể bơi lộ thiên cho khách, khoảng 2 năm nữa sẽ xong.
Khách đặt rất đông. Người Việt nam thì ít, mới có từ đầu năm nay, còn lại chủ yếu là Tây.
Còn biết thêm là khách Tây thích đi bộ từ bãi xe vào chứ không đi xe máy. Họ đi đường khác, xa hơn, vòng vèo hơn và phải mất 5-6 h mới tới nhà sàn. (Hôm sau cũng muốn thử đi bộ mà không có đủ thời gian, nhờ chủ nhà đưa ra bãi xe cho sớm mà không được, vì họ phải ở lại kịp dọn nhà đón đoàn mới sắp đến).
Ăn tối tại nhà sàn do dân bản chuẩn bị, có rượu ngô của vùng cao. Một anh bộ đội mới giải ngũ, 24 tuổi, ở nhà gần sang làm quen. Ban đầu chào các cô, rồi quen dần gọi sang các chị. Người Đông Bắc giao lưu với người miền Tây Nam Bộ có nhiều chuyện rất vui. Đến khi chia tay, cô gái miền Tây có nói : “Em có biết đường về nhà không? Hay để chị đưa về...” - “Chị cứ đùa em”. Anh ta trả lời nghiêm túc.
Chủ nhà tên Nam, còn rất trẻ, chắc là vì làm kinh doanh, anh nói tiếng Việt giọng như người Hà nội. Còn cô vợ (chưa cưới) mới 18 tuổi. Tiếng Việt không được trôi chảy lắm nên cô ít nói. Nhưng phong thái thì rất tự tin, cạn chén và bắt tay với từng anh một trong đoàn rồi mới giới thiệu tên mình là Nhầy.
Cảnh 2 vợ chồng dùng iPhone để FaceTime với bạn bè bên bếp lửa hồng đã xoá nhoà nhiều khái niệm trong tôi.
Đi nghỉ sớm trên gác, vẫn còn nghe thấy thanh niên nói chuyện rôm rả phía dưới.
Buổi tối vùng cao biên giới quá tĩnh mịch. Thỉnh thoảng nghe rõ tiếng giọt sương nặng dần rồi rơi xuống mái xuống hiên. Tiếng chim rừng kêu thảng thốt. Tiếng mõ chuông leng keng trên cổ con trâu buộc đầu nhà. Mãi mới thiếp đi được.
Buổi sáng hôm sau thức dậy sớm hy vọng chụp ảnh bình minh sau rặng núi. Nhưng sương mù đã che khuất hết, cũng may là sương không nặng lắm nên cảnh vật vẫn còn lộ ra những đường nét hấp dẫn của mình.
Ra đến đầu dốc đã thấy anh trưởng đoàn ngồi một mình bên ly cafe sáng ngắm núi rừng. Là chuyên gia của vùng địa danh phía Bắc này, anh đã đi lại nơi đây vài chục lần.
Sinh ra và lớn lên từ miền Trung, anh nói tiếng Hội an đặc sệt (một loại thổ ngữ cổ của tỉnh Quảng nam). Đã quen anh hơn 7 năm nên tôi nghe và hiểu được những gì anh nói. Nhưng thực sự thì không phải lúc nào cũng hiểu đúng ý anh muốn diễn đạt. Có người phải đến sau 2-3 năm mới hiểu anh đã nói gì.
Phong thái, dáng dấp của anh đơn giản, dễ mến, phù hợp với thiên nhiên. Cùng một góc nhìn, sự xuất hiện của anh đã làm tăng thêm vẻ đẹp vùng Đông Bắc.
Hẹn anh dịp tới.
Nguyễn Thanh Hải 20.10.2018
Comments
Post a Comment