Skip to main content

Biển Long Hải, Bà Rịa

Biển Long Hải (Bà rịa) 


Việt Nam có bờ biển dài hơn 3.200 km. Ở phía Bắc: Hạ Long, Sầm Sơn, Cửa Lò, Nhật Lệ, Lăng Cô... là những bãi tắm nổi tiếng cho du lịch. Nhưng do điều kiện khí hậu, những địa danh đó chỉ thu hút khách vào mấy tháng mùa hè. Sau đèo Hải Vân, tính từ Đà Nẵng trở vào Nam, thời tiết quanh năm nắng nóng, các bãi biển dường như luôn lý tưởng cho việc nghỉ ngơi và là những nơi ưa chuộng của du khách thập phương từ rất lâu.

Ở trong Nam, ngoài Vũng Tàu và Phú Quốc, bờ biển trải dài từ Long Hải (Bà Rịa) tới Đà Nẵng để lại nhiều ấn tượng và cảm xúc. Cung đường hơn 1.000 km chạy dọc theo ven biển, đi qua nhiều làng mạc hay thành phố nhỏ, nay đã trở nên nổi tiếng. Long Hải, Hồ Tràm, Mũi Kê Gà, Mũi Né, Cà Ná, Mũi Dinh, Amanoi, Dốc Lết, Mũi Điện, Kỳ Co, Sơn Trà, Hội An...Những địa danh đã từng dừng chân rất nhiều lần.

Mỗi khi có thời gian, không cần chuẩn bị gì nhiều: đôi dép, quần sọc, vài cái áo thun là lên đường. Xe có thể chạy sát ven biển. Có thể dừng lại chỗ nào muốn để ngắm cảnh, chụp hình, thư giãn, nghỉ ngơi. Nhà nghỉ và quán ăn hải sản san sát.

Đường đi

Từ Sài gòn tới cổng chào Bà Rịa 75 km đi mất 1h30’. Rẽ phải theo QL51 là vào Vũng Tàu sầm uất. Rẽ trái theo DT44A, bắt đầu vào cung đường men theo biển đi ra Bắc. Chỉ hơn 20 km sẽ tới Long Hải, qua nhiều địa điểm có khung cảnh khác hẳn quốc lộ. Con đường trở nên thoáng, vắng xe và dễ làm vừa lòng cặp mắt lẫn tâm trạng du khách.



Núi, bên dưới là hồ nước, ven hồ cây cối xanh tốt, nhưng chỉ ra xa chút ít là cây lá đã khô cằn khi bắt đầu vào mùa khô.




Có những nơi, hình như vì xa hẳn nguồn nước, khung cảnh trở nên hoang sơ giống như chuẩn bị vào vùng sa mạc.




Nhưng phần nhiều là cảnh thiên nhiên đồng quê, lúa còn xanh hay đã chín. Hai con bò ngạc nhiên ngắm nhìn sinh vật lạ đang quan tâm đến chúng.



Ụ muối lẻ loi vô tình còn sót lại


Đường phố nhiều nơi mới xây dựng, là chỗ đi lại bình đẳng cho gia súc, người đi bộ, xe máy và ô tô. Tất cả mọi đối tượng tham gia giao thông đều cảm thấy an bình như lẽ đương nhiên, chỉ mấy đứa trẻ sống ở  thành phố là có thể trố mắt xuýt xoa. 



Bức ảnh dưới. Phong cảnh làng quê hài hoà, im ắng và yên bình. Con đường dẫn tới biển rất vắng vẻ, thỉnh thoảng mới gặp người qua lại hay nhà dân.



Nếu may mắn vào những buổi chiều tà, có thể được chiêm ngưỡng cảnh mây ngũ sắc dưới ánh mặt trời chuẩn bị tắt nắng. Hiếm có và không phải dễ dàng bắt gặp.


Hoàng hôn và bình minh

Với những ai sống thường xuyên ở thành phố, khi ngắm bãi biển vắng người, không bị giới hạn tầm mắt chắc sẽ có nhiều cảm giác mới lạ. Ở nơi trời đất mênh mông lẫn lộn, chụp vô số kiểu ảnh. Lúc coi lại, thoạt đầu không phân biệt được cảnh hoàng hôn và bình minh. Nhìn kỹ, nhận ra hoàng hôn thì ánh mặt trời ở phía núi. 



Cùng một vị trí, thời gian khác nhau cho những sắc màu khác nhau. Cuối buổi chiều, nhìn và hiểu sao người ta hay nói màu tím của hoàng hôn... 


Bình minh ở đây ánh mặt trời luôn từ hướng biển, thời khắc bắt đầu ngày mới luôn có sắc màu vàng dường như tươi sáng, mạnh mẽ hơn. 




Cùng địa điểm, phụ thuộc vào thời khắc và yếu tố thời tiết, bình minh để lại những sắc màu khác biệt.
Vàng chói khi nhìn từ nóc nhà


Đỏ ối lúc trời hơi mờ sương


Xám xịt trước ngày giông bão


Xanh ngắt báo hiệu ngày nắng nóng


Du khách và làng chài

Sáng dậy sớm, đi dạo theo ven biển vắng lặng. Tưởng chừng mọi vật còn đang chìm trong giấc ngủ. Nhưng không phải vậy. Người dân làng chài dường như đã làm việc từ  đêm. Ngắm nhìn hai người đàn ông câu mực trên mỏm đá nhỏ khá xa bờ. Không biết họ bắt đầu công việc khi  nào. Chỉ thấy họ từ lúc trời còn mờ ảo, ửng hồng rồi đến lúc mặt trời sáng hẳn.





Có hôm thấy đoàn xe máy chạy dọc  bãi biển từ sáng tinh mơ. Tò mò tìm hiểu. Họ tìm và bắt những con ốc nhỏ xíu, bằng hạt đậu, bị sóng đánh dạt lên bờ. Họ chạy xe dọc theo biển, dừng lại lấy cái xúc dài thăm dò. Thấy khả quan sẽ ở lại đánh bắt, nếu không lại đi tiếp...



Ngắm nhìn dàn xe máy chạy trên cát dưới ánh bình mình. Liên tưởng tới hình ảnh đoàn người cưỡi lạc đà lúc hoàng hôn, hay cảnh đua xe hơi trên sa mạc khi trời gần tắt nắng chụp được ở Dubai.



Dù có khác biệt lớn. Một nơi nước mênh mông, nơi kia cát đá khô cằn. Một nơi thời điểm bình mình tràn đầy sức sống, nơi kia  lúc cuối ngày dáng vẻ mệt mỏi.   

Con chó này chắc cũng dậy từ sớm. Nó đang làm việc. Chăm chú ngóng theo người chủ trên chiếc thuyền thúng ngoài khơi. Nó chỉ dám tha thẩn đi dạo khi bóng thuyền đã ra xa. Chắc hẳn người chủ trên biển cảm thấy ấm lòng khi có người thân mong ngóng trên bờ.







Lục lại đống ảnh cũ. Tấm hình chụp tại bãi biển này 5 năm trước, 9:56’ sáng 26.12.2013. Tha thẩn cả tiếng theo anh châu Phi đợi đến lúc cất mẻ lưới. Có ý chờ mua ít cá  tươi.



Thất vọng khi chỉ nhìn thấy 2 con cá nhỏ bằng ngón tay. Anh thậm chí cũng không thèm gỡ. Dù mỗi lần thả và kéo lưới phải mất vài tiếng. Không thấy anh tỏ vẻ phàn nàn hay cáu giận. Bình thản tung mẻ lưới tiếp theo. Hy vọng. Trông dáng điệu băn khoăn của tôi, anh an ủi: - “Không sao đâu, có khi cả ngày em không kiếm được ký cá nào.” Nhìn nước da đen cháy vì nắng gió, thực sự khâm phục tính lạc quan vui vẻ hiếm gặp. Học hỏi được nhiều điều cho mình.

Diều và biển

Cánh diều thường gắn với tuổi thơ. Được thả diều giữa vùng trời biển mênh mông, vắng vẻ có những cảm giác lạ chưa từng trải qua. Thử đủ cái loại diều khác nhau, xem kiểu nào hợp với mình, hợp với khung cảnh biển...







Rồi nhận ra, loại nào cũng được hết. Miễn là dám thả diều một mình, giữa biển vắng, giữa trưa nắng gắt. Cảm giác thực sự tự do thoáng đãng khi chỉ một mình giữa bãi biển rộng lớn. Buổi sáng, buộc dây diều vào gốc cây. Xuống tắm biển và ngắm. Chán thì kéo diều về nhà. Giống như dắt chó đi dạo.




Nhiều khi cũng thấy mình dị hợm. Ngoài 50 tuổi mà vẫn hám thả diều. Ra đến bãi dự thi diều, mới thấy mình chưa là gì. Còn thiếu nhiều thứ lắm, kể cả tuổi tác.





Cần phải cố gắng nhiều nữa mới có thể hy vọng đoạt giải. 

Cùng flycam và diều sẽ đi lại dọc bãi biển 1.000 km từ Long Hải tới Đà Nẵng.



Comments

Popular posts from this blog

Bánh chưng - bánh tét

Bánh chưng - bánh tét ngày Tết Bánh chưng - bánh tét là món ăn cổ truyền Tết Việt Nam. Thành phần bao gồm gạo nếp, đỗ xanh với nhân thịt. Miền Bắc, bánh chưng thường làm từ thịt lợn gói trong lá dong theo hình vuông. Còn trong Nam, bánh tét thì lấy thịt heo gói trong lá chuối theo hình trụ. Có gia đình tự chuẩn bị (mua gạo nếp, đỗ xanh, thịt) rồi nhờ gói và nấu. Có gia đình mua đồ về, tự gói (để thành phần theo ý  riêng) rồi nhờ nấu hộ. Có gia đình đặt luôn vài cặp từ những nơi nấu bánh. Có gia đình chờ đến tết thì đi mua về. Cuộc sống hiện đại, nhiều gia đình không còn có điều kiện gói và nấu bánh nữa. Nhu cầu ẩm thực thay đổi, nhiều người Việt ngày Tết cũng mua về chỉ trưng bày, không chắc đã ăn. Trải qua hàng ngàn năm, bánh chưng - bánh tét từ món ăn đã chuyển thành biểu tượng của hơn 100 triệu người Việt: 96 triệu người trong nước và 4 triệu người ở nước ngoài. Thật tiếc nếu thời gian trôi tiếp đi, biết đâu sau này người Việt không còn cả nhu cầu trưng bày nữa, ...

Nậm Tột (Nghệ An)

Nậm Tột - miền biên viễn         Nậm Tột - miền biên giới phía xa. Là bản thuộc xã Tri Lễ, huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An. Sát với nước Lào. Nằm trên độ cao hơn 2.000 m. Sáng sớm thì sương mù. Ban ngày trời nắng rát. Chiều thường mưa dông. Tối rét lạnh, đắp chăn vẫn rét run. Mùa mưa, đường trơn lầy lội, nơi này dường như cách ly khỏi xung quanh. Ngày thường, người xa chỉ dám đến từ 10 sáng tới 3h chiều, lỡ có gặp mưa thì không sao ra được. Bản có 45 hộ gia đình, chủ yếu là người Mông. Năm ngoái, 2019, TV Nghệ An có làm phóng sự về nơi đây. Quay cảnh những đứa trẻ  lứa mầm non học trong nhà dân.   Cuối tháng 6-2020, tới dự lễ khánh thành nhà trẻ mới. Được tận mắt chứng kiến sự thay đổi trong cuộc sống của Nậm Tột.  Hà Nội cách đây khoảng 400km, đi qua xứ Thanh - Nghệ. Địa danh lịch sử, nơi sản sinh ra biết bao nhân tài của đất Việt.       Dừng chân tại Pù Luông. Hãy thưởng ngoạn những cánh ruộng bậc t...

Lời tựa

 Tự sự Đầu năm 2013. Cơ quan cũ tái cấu trúc nhân sự. Không còn chỗ cho mình. Lúc đó đã 50 tuổi, khó mà xin đi làm được nữa. Vậy là nghỉ.  Quê ở miền trung du,  mong ước có cảm giác sau tay lái trên những cung đường ven biển hay vòng quanh núi. Một mình không dám đi.  May là tìm được một người bạn có cùng ý muốn. Hai anh em thay nhau lái xe ô tô từ Nam ra Bắc. Từ Hà nội đi tiếp Đông Bắc, rồi Tây Bắc. Quay ngược lại TP Hồ Chí Minh. Đi tới Mũi Cà Mau, ra Đảo Phú Quốc. Mất vài tháng. Không vội vàng, thích chỗ nào thì dừng lại nghỉ. Đi đâu cũng chụp ảnh và ghi chép. Sau này, vài dịp qua lại những chỗ đó. Có lần lái xe. Có lần chỉ là hành khách. Khi không ngồi trên tay lái, nhận được nhiều trải nghiệm khác nhau. Thường  thợ ảnh ít khi viết văn. Nhà văn thì lại không hay chụp hình. Giờ tổng hợp lại các bức ảnh những nơi đã qua, dùng lời văn của nhà toán học, thêm chút cảm xúc riêng tư, cộng với cái tôi vào nữa để viết loạt bài tản mạn về d...