Skip to main content

Đảo Phú Quý (Cù Lao Thu)

Đảo Phú Quý (Cù Lao Thu) 

Huyện đảo Phú Quý, còn gọi là Cù Lao Thu, hay Cù lao Khoai Xứ, thuộc  tỉnh Bình Thuận.  Cách thành phố Phan thiết 110 km về phía Tây Bắc và cách quần đảo Trường sa 540 km về phía Đông. Diện tích 17,4 km2 (bằng 1/34 đảo Phú Quốc). Dân số khoảng 30 ngàn (gần bằng 1/3 đảo Phú Quốc) bao gồm người Kinh, Chơ Ro, Cơ Ho, Hoa. 



Từ thị trấn Long Hải, xe chạy theo đường ven biển. Lần lượt qua những khu nghỉ dưỡng hiện đại mới được hình thành gần đây: Oceanami Villas, Lan Rừng Resort, Tropicana Beach Resort, Melia Hồ Tràm, Osaka Hồ Tràm, Sanctuary Hồ Tràm, Carmelina Beach Resort, The Grand Hồ Tràm Strip, Thị trấn Lagi, Mũi Kê Gà rồi tới cảng Phan Thiết, nơi có bến tàu biển duy nhất hàng ngày ra đảo Phú Quý. Quãng đường ven biển này dài khoảng 140 km đi mất hơn  3h.  



Tàu chợ, chạy chậm, chở hơn 200 khách cùng hàng hoá ra đảo. Biển lặng đi cũng phải mất 4-5 tiếng. Giá vé 200-250 ngàn/người/1 lượt. Gửi xe máy 500 (xe thường) - 550K (xe tay ga)/1 xe/2 chiều.


Trên tàu có khoang giường nằm nhưng vì quá nóng và ngột ngạt, nên tôi lên boong ngồi cho thoáng.





Nắng  trưa giữa biển rất gắt, chỉ vài tiếng là mặt đỏ rồi xạm đen lại. Đi khắp tàu chụp hình và giao lưu cùng với hành  khách. Đứng ở đuôi tàu, thấy tiếng kêu kẽo kẹt. Anh bạn đồng hành mới quen giải thích: chắc vỏ tàu này có ghép các tấm thép bằng các mối hàn nên nó rung bần bật như vậy. Là Việt kiều Mỹ, mới về Việt nam lần đầu sau hơn 20 năm. Là thợ đóng tàu, anh nói thân tàu ra biển nên phải đóng bằng nguyên tấm thép lớn, không nên ghép qua mối hàn ngang.



Ra xa giữa biển khơi, khắp nơi thấy rõ sự hiện diện của dân đánh cá người Việt. Chiếc thuyền mảnh mai trên nền những con tàu lớn ở phía xa. 




Đến gần bờ, nhận ra sự hoành tráng hiện đại của tàu đánh cá... 



Lên tới bến tàu tại đảo Phú Quý, cuộc sống trở nên rất tấp nập. Nhỏ bằng 1/34 đảo Phú Quốc, nhưng mật độ dân cư ở Phú Quý lại cao gấp 10 lần, khung cảnh ở đây khá sống động.



Người dân trên đảo nói chuyện với ngữ âm rất đặc biệt. Là tiếng Việt, nhưng pha trộn tiếng Hoa, lại mang nặng ngữ điệu miền Trung.   Trong đoàn  có thành phần từ đủ các miền Bắc - Trung - Nam và đều xác nhận rằng tiếng Việt ở đây với họ đều lạ, và khó nghe như nhau. Lúc đầu tôi tưởng là giọng Quảng nam, nhưng anh bạn người Hội an nói: đâu có, em nghe cũng khó như anh đó... 



Trải qua những biến thiên của lịch sử, Phú Quý là nơi hội tụ nhiều luồng dân cư từ đất liền ra đảo với nhiều thành phần dân tộc khác nhau. Quá trình phát triển, một số người làm ăn thành đạt, trở nên giàu có, đã chuyển vào các thành phố, chỉ số ít còn lại trên đảo.

Phú Quý trước kia dùng điện từ máy nổ, ngày chỉ đủ cho vài tiếng. Giờ đây, EVN đã đầu tư điện gió và huyện đảo không còn cảnh thiếu điện nữa.  



Nơi này khá vắng vẻ, tìm mãi mới thấy con bò để làm nền chụp với cột điện gió cao vợi...   


Biển ở đây trong vắt, xanh ngắt. 



Lang thang chụp hình. Đi theo và hỏi chuyện các công dân nhí trên đảo. Bọn trẻ giao tiếp thoải mái, tự tin. 



Khung cảnh biển trời bao la, hoang vu... 





Phiến đá bên vực cao sát bờ biển. Trước đó, mấy cô gái chân dài, mặc váy sặc sỡ, nằm dài trên đó và chụp cảnh “Nàng tiên cá”. Cũng làm một kiểu:“ Ông tiên cá...”  


Núi Cao Cát. Một trong những điểm không thể bỏ qua ở đảo Phú Quý. 


Để có được những tấm hình kỷ niệm đẹp, cần phải rất kỳ công và không kém phần nguy hiểm...Anh trưởng đoàn hết sức cố gắng giúp đỡ cô gái trẻ check-in ở vị trí chênh vênh bên vách đá. 




Cả nhóm nhiếp ảnh gia đua nhau chụp cảnh ấn tượng: váy đỏ trên vách núi, phía xa là nền biển xanh.  



Đến lượt mình, dù bị nài nỉ đến mấy cũng  chỉ dám đi ra những nơi có cảm giác an toàn.  


Phú Quý là hòn đảo thuộc về vương quốc Champa xưa kia. Tại đỉnh Cao Cát, có di tích nổi tiếng của người Chăm còn để lại: Đền thờ công chúa Bàn Tranh. Là công chúa xinh đẹp, vì chống lệnh vua cha nên bị kết tội phản nghịch và bị đày vĩnh viễn ra đảo. Sau khi nàng chết, người Chăm xây dựng đền thờ tại đây vào thế kỷ XV. Một thời gian sau, người Chăm lần lượt rời khỏi đảo. Trước khi đi, họ bàn giao đền thờ công chúa Bàn Tranh cho người Việt chăm sóc.



Ngày nay trên đảo không còn ai biết tiếng Chăm nữa, nhưng những công lao to lớn của công chúa Bàn Tranh trong việc khai phá đảo Phú Quý đã được các vua triều Nguyễn ghi nhận và ban sắc phong. Một số di vật linh thiêng còn lưu giữ trong đền.

Cách đền thờ công chúa Bàn Tranh chỉ vài trăm mét là Trường Tiểu học Đông Hải. 



Phần nào đó cũng là dấu ấn lịch sử. Một cô gái trong  đoàn ra đây tham quan và có ghé trường này. Cha của cô, quê ở Ninh Thuận, thời thanh niên đã dạy học ở đây 3 năm và sau đó quay trở lại đất liền vào năm 1972.

Đảo Hòn Tranh 

Cách cảng Phú Quý 600 m, nằm phía đông nam đảo Phú Quý. Hòn Tranh có chiều rộng nhất là 650 m về phía Bắc, nơi hẹp nhất 290 m, chiều dài 1.176 m. Trước đây là một hoang đảo chủ yếu là cỏ tranh, được dân phá trồng hoa màu. Hiện nay không có dân cư sinh sống. Đang là nơi đặt trạm ra-đa quan sát biển của lực lượng Hải quân Việt Nam, muốn ghé thăm phải xin phép lính biên phòng trước.



Cả nhóm bước xuống từ bậc vách đá chênh vênh khá cao, rồi leo lên 2 chiếc thuyền chài nhỏ xíu. Lèo tèo vài cái áo phao, mà chắc chưa được sử dụng bao giờ. Với người đã trên 50 tuổi, chân bị đau, lại không biết bơi thì đúng là có cảm giác không hoàn toàn thoải mái. 



Một phụ nữ làm toáng lên, đòi quay lại bờ ngay  lập tức. Một phụ nữ khác (theo đạo) thì nhắm mắt lim dim cầu nguyện suốt 20 phút đi trên thuyền. Thậm chí, lên đảo, chị thay đồ bơi nhưng chỉ nghịch cát cách xa mép nước vài mét. Mắt không dời khỏi phao, thỉnh thoảng còn sờ vào cho chắc chắn rằng nó vẫn ở bên cạnh.



Từ dưới biển nhìn lên, thấy khung cảnh hoang sơ...

Hoàng hôn Phú Quý

Quay lại cảng Phú Quý thì trời bắt đầu tối. Được chiêm ngưỡng cảnh hoàng hôn rơi rất nhanh trên bến, chỉ trong vài phút là hết.



Kịp bấm vài kiểu.





Sáng hôm sau dậy sớm lấy xe máy chạy vòng quanh đảo. Gặp nhóm bộ đội đang diễn tập nhưng không được phép chụp. Đi tiếp, vô tình gặp đoàn Đài Truyền Hình tỉnh Bình thuận đang ra công tác ở đây. Họ xin phỏng vấn. Nói, đại ý: “Là người sinh sống tại TP HCM, tôi rất phấn khích khi ra thăm đảo Phú Quý. Được tận mắt nhìn thấy phong cảnh đẹp, cùng với cuộc sống thường ngày khá sung túc của người dân địa phương. Hy vọng sẽ còn có dịp đến thăm lần sau và chứng kiến nhiều đổi thay hơn nữa...”



Tư liệu   : tháng 4-2018. 
Hoàn tất:  tháng 4-2019.                                 

Comments

Popular posts from this blog

Bánh chưng - bánh tét

Bánh chưng - bánh tét ngày Tết Bánh chưng - bánh tét là món ăn cổ truyền Tết Việt Nam. Thành phần bao gồm gạo nếp, đỗ xanh với nhân thịt. Miền Bắc, bánh chưng thường làm từ thịt lợn gói trong lá dong theo hình vuông. Còn trong Nam, bánh tét thì lấy thịt heo gói trong lá chuối theo hình trụ. Có gia đình tự chuẩn bị (mua gạo nếp, đỗ xanh, thịt) rồi nhờ gói và nấu. Có gia đình mua đồ về, tự gói (để thành phần theo ý  riêng) rồi nhờ nấu hộ. Có gia đình đặt luôn vài cặp từ những nơi nấu bánh. Có gia đình chờ đến tết thì đi mua về. Cuộc sống hiện đại, nhiều gia đình không còn có điều kiện gói và nấu bánh nữa. Nhu cầu ẩm thực thay đổi, nhiều người Việt ngày Tết cũng mua về chỉ trưng bày, không chắc đã ăn. Trải qua hàng ngàn năm, bánh chưng - bánh tét từ món ăn đã chuyển thành biểu tượng của hơn 100 triệu người Việt: 96 triệu người trong nước và 4 triệu người ở nước ngoài. Thật tiếc nếu thời gian trôi tiếp đi, biết đâu sau này người Việt không còn cả nhu cầu trưng bày nữa, ...

Nậm Tột (Nghệ An)

Nậm Tột - miền biên viễn         Nậm Tột - miền biên giới phía xa. Là bản thuộc xã Tri Lễ, huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An. Sát với nước Lào. Nằm trên độ cao hơn 2.000 m. Sáng sớm thì sương mù. Ban ngày trời nắng rát. Chiều thường mưa dông. Tối rét lạnh, đắp chăn vẫn rét run. Mùa mưa, đường trơn lầy lội, nơi này dường như cách ly khỏi xung quanh. Ngày thường, người xa chỉ dám đến từ 10 sáng tới 3h chiều, lỡ có gặp mưa thì không sao ra được. Bản có 45 hộ gia đình, chủ yếu là người Mông. Năm ngoái, 2019, TV Nghệ An có làm phóng sự về nơi đây. Quay cảnh những đứa trẻ  lứa mầm non học trong nhà dân.   Cuối tháng 6-2020, tới dự lễ khánh thành nhà trẻ mới. Được tận mắt chứng kiến sự thay đổi trong cuộc sống của Nậm Tột.  Hà Nội cách đây khoảng 400km, đi qua xứ Thanh - Nghệ. Địa danh lịch sử, nơi sản sinh ra biết bao nhân tài của đất Việt.       Dừng chân tại Pù Luông. Hãy thưởng ngoạn những cánh ruộng bậc t...

Lời tựa

 Tự sự Đầu năm 2013. Cơ quan cũ tái cấu trúc nhân sự. Không còn chỗ cho mình. Lúc đó đã 50 tuổi, khó mà xin đi làm được nữa. Vậy là nghỉ.  Quê ở miền trung du,  mong ước có cảm giác sau tay lái trên những cung đường ven biển hay vòng quanh núi. Một mình không dám đi.  May là tìm được một người bạn có cùng ý muốn. Hai anh em thay nhau lái xe ô tô từ Nam ra Bắc. Từ Hà nội đi tiếp Đông Bắc, rồi Tây Bắc. Quay ngược lại TP Hồ Chí Minh. Đi tới Mũi Cà Mau, ra Đảo Phú Quốc. Mất vài tháng. Không vội vàng, thích chỗ nào thì dừng lại nghỉ. Đi đâu cũng chụp ảnh và ghi chép. Sau này, vài dịp qua lại những chỗ đó. Có lần lái xe. Có lần chỉ là hành khách. Khi không ngồi trên tay lái, nhận được nhiều trải nghiệm khác nhau. Thường  thợ ảnh ít khi viết văn. Nhà văn thì lại không hay chụp hình. Giờ tổng hợp lại các bức ảnh những nơi đã qua, dùng lời văn của nhà toán học, thêm chút cảm xúc riêng tư, cộng với cái tôi vào nữa để viết loạt bài tản mạn về d...